Hậu Giang nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được tách ra từ tỉnh Cần Thơ cũ. Vốn là một tỉnh nghèo đất rộng người thưa, nay Hậu Giang đang từng ngày “thay da đổi thịt” thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được phê duyệt và công bố.Hồ sơ quy hoạch đã được trao cho 13 tỉnh, thành phố, cùng với đó là 6 ngân hàng phát triển, bao gồm ADB, KEXIM, AFD, KFW, JICA và WB cam kết tài trợ thực hiện một số chương trình, dự án phát triển hạ tầng. Đây là cơ hội và cũng là động lực để các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vươn lên bứt phá.Trong bối cảnh đó, Hậu Giang – vùng đất có nhiều tiềm năng chưa được khai phá cũng đang đổi mới từng ngày, đẩy mạnh công tác xúc tiến, “trải thảm đỏ” mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Mekong ASEAN đã trao đổi với ông Lê Ngọc Ánh Minh, Chủ tịch điều hành Công ty TNHH Pacific Group, doanh nghiệp nhận vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào một số lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, bất động sản, công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp thông minh… Pacific Group đang đề xuất 7 dự án tại thành phố Vị Thanh và tư vấn cho một số doanh nghiệp nước ngoài về đầu tư tại tỉnh Hậu Giang.
Mekong ASEAN: Với kinh nghiệm nhiều năm thực hiện công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài, ông có thể cho biết lý do nào khiến ông chọn vùng đất Hậu Giang?
Ông Lê Ngọc Ánh Minh: Trong suốt quá trình công tác, tôi có kinh nghiệm phát triển các dự án hạ tầng từ Bắc chí Nam. Vì thế, năm 2018 khi về Hậu Giang tìm hiểu và nghiên cứu, tôi đã nhận ra nhiều ưu điểm của vùng đất trù phú này.Vốn được chia tách từ tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang có thể tận dụng được các lợi thế từ thành phố này. Cự ly di chuyển đến sân bay quốc tế Cần Thơ chỉ mất hơn 30 phút với hiện trạng đường quốc lộ, mà sau này khi đường cao tốc hoàn thành thì thời gian rút đi chỉ còn một nửa. Ngoài ra, Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ trong tương lai kết nối các đường bay quốc tế và nội địa, sẽ rất thuận tiện cho việc thông thương, đi lại. Với vị trí nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, khoảng cách từ Hậu Giang tới các tỉnh lân cận cũng rất gần, có thể đi và về trong ngày.
Cảng biển nước sâu Trần Đề tại tỉnh Sóc Trăng, kế bên Hậu Giang, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn ăn hàng trực tiếp. Nắm bắt vai trò phụ trợ cho cảng Trần Đề, Hậu Giang có thể phát triển hệ thống cảng sông quy mô, đưa hàng hóa từ trong nội vùng vựa lúa, vựa hoa quả, nông sản, thủy sản… ra cảng biển để xuất khẩu, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí logistics cho bà con nông dân cũng như doanh nghiệp.Hậu Giang là tỉnh có quỹ đất lớn nên dư địa đầu tư vô cùng rộng mở.
Thời gian vừa qua, tỉnh Hậu Giang đã có những bước phát triển vượt bậc cả về kinh tế, văn hóa và xã hội. Đặc biệt, trong năm 2021, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, Hậu Giang là tỉnh có mức tăng trưởng cao, đứng thứ hai khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ số PCI của Hậu Giang từng bước được cải thiện theo thời gian, năm 2021 xếp thứ 38/63 tỉnh thành, tăng 1 bậc so với năm 2020.Nhưng quan trọng nhất, theo tôi, điểm mạnh của tỉnh Hậu Giang là các cấp lãnh đạo đang tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư đến với địa phương.
Hơn nữa, tỉnh cũng đang tích cực thay đổi tư duy, chuyển đổi từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ”, lấy người dân và doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm phục vụ. Đây là bước thay đổi cực kỳ quan trọng!Từ sự thay đổi đó, công tác cải cách hành chính sẽ được đẩy mạnh, giảm bớt nhiều thủ tục, giấy tờ rườm rà.
Dịch vụ công tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận và giải quyết các thủ tục nhanh gọn, mở ra môi trường đầu tư tốt, thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.Đó là cảm nhận của tôi cũng như các đối tác quốc tế về Hậu Giang tìm hiểu cơ hội đầu tư trong hơn 4 năm qua. Tôi cho rằng Hậu Giang có rất nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư. Vì vậy, tôi đã chọn vùng đất này để đề xuất các dự án cũng như tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài khác.
Đầu tư đúng hướng và đúng mức sẽ tạo thặng dư lớn hơn rất nhiều
Mekong ASEAN: Vậy theo ông, Hậu Giang có những lĩnh vực nào là tiềm năng để hợp tác phát triển, kêu gọi đầu tư?
Ông Lê Ngọc Ánh Minh: Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Hậu Giang nói riêng có thế mạnh rất lớn về nông nghiệp. Hậu Giang là nơi trồng trọt và sản xuất lúa gạo cao cấp, nhiều loại trái cây đặc sản như trái khóm (dứa), mít hồng, thanh long ruột đỏ, chanh không hạt, xoài, chuối… chăn nuôi và chế biến thủy sản như tôm, cá tra, cá basa, cá thác lác…
Sản xuất nông nghiệp phải hướng đến nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, sản xuất sản phẩm chất lượng cao để bán ra được giá cao thay vì đạt năng suất, sản lượng lớn như trước đây. Những sản phẩm có giá trị cao, số lượng ít sẽ quý và được khách hàng trân trọng. Khi được đầu tư đúng hướng và đúng mức sẽ tạo thặng dư lớn hơn rất nhiều.Nằm ở vị trí trung tâm vùng, Hậu Giang hoàn toàn có thể bứt phá phát triển hạ tầng đô thị trung tâm.
Đối với thành phố trẻ Vị Thanh, thủ phủ của tỉnh Hậu Giang, việc quy hoạch có thể rút kinh nghiệm từ các đô thị đi trước để trở thành một thành phố năng động, sáng tạo và phát triển bền vững.Hơn nữa, địa hình Hậu Giang nhiều kênh rạch, trên bến dưới thuyền, khi thiết lập các bến thủy đồng bộ cùng các địa phương khác sẽ hình thành hệ thống vận tải thủy nội địa, giảm tải cho đường bộ. Hãy hình dung, một chiếc xe đầu kéo chỉ kéo được một container còn một xà lan có thể chở vài chục container. Ngoài ra, do địa bàn kênh rạch nhiều, việc hình thành các hệ cầu thép Nhật Bản sẽ giúp thi công nhanh và kết nối giao thông bộ hiệu quả hơn.Với địa bàn nhiều sông nước như vậy, khi đầu tư về cơ sở hạ tầng trên nền đất yếu cần cập nhật công nghệ mới về chống lún. Trong nhóm của chúng tôi có sở hữu công nghệ nano chất ổn định đất, thi công nhanh, dùng luôn vật liệu tại chỗ và độ bền chặt kết dính vững chắc. Chỉ riêng yếu tố này khiến chi phí làm đường giảm từ 25-40% và tuổi thọ công trình được kéo dài hơn.
Mô hình “khách sạn nổi”
Cùng với Quy hoạch phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Đảng và Chính phủ, việc đầu tư, giải ngân, thi công các tuyến cao tốc liên tỉnh được đẩy nhanh tiến độ. Như vậy, đầu tư bất động sản thương mại, giải trí, du lịch tại Hậu Giang sẽ là cơ hội rất tốt. Chỉ vài năm nữa thôi, Hậu Giang sẽ trở thành Tân Tây Đô sầm uất bổ trợ cho Cần Thơ – Tây Đô hiện tại.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang cân nhắc dự kiến khởi công tuyến đường sắt TPHCM – Cần Thơ vào năm 2025. Tuyến đường sắt này được thiết kế có năng lực vận hành tương đương với 1 tuyến đường bộ cao tốc 10 làn xe và 2 sân bay, dài 174km và sẽ đi qua 6 tỉnh: Bình Dương, TP HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ. Tuyến đường sắt có ý nghĩa rất lớn, tạo ra cực tăng trưởng mới cho Đồng bằng sông Cửu Long, giảm sức ép cho TPHCM, giúp thuận tiện lưu thông hàng hóa, vận tải hành khách với số lượng lớn, rút ngắn thời gian đi lại (chỉ mất 75-80 phút thay vì 3-4 tiếng đi đường bộ như hiện nay).
Từ Cần Thơ phát triển tuyến đường sắt nối với thành phố Vị Thanh sẽ giúp phát triển kinh tế rất mạnh bao gồm du lịch, công nghiệp và đô thị. Với quỹ đất lớn, Hậu Giang phát triển tuyến đường sắt này cùng với một loạt các khu đô thị và cụm công nghiệp sẽ tạo nên sự phát triển mạnh mẽ cho cả Cần Thơ và Vị Thanh (Hậu Giang) cũng như các tỉnh lân cận.Cũng với vị trí trung tâm ấy, Hậu Giang có lợi thế trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Đào tạo nguồn nhân lực theo chuẩn quốc tế sẽ tạo nguồn cung không chỉ cho Hậu Giang mà còn cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vì để sản xuất kinh doanh cần có nguồn nhân lực đã qua đào tạo, thay vì để lực lượng lao động này di chuyển về vùng Đông Nam Bộ.
Đầu tư về Hậu Giang là chuyện đường dài
Mekong ASEAN: Được biết, cuối tháng 3 vừa qua đã có một số biên bản hợp tác giữa thành phố Vị Thanh và các đối tác được ký kết. Ông có thể cho biết quan điểm về tình hình thu hút đầu tư của tỉnh Hậu Giang và những nhà đầu tư ông giới thiệu tới Vị Thanh là những doanh nghiệp như thế nào?
Ông Lê Ngọc Ánh Minh: Theo tôi, vấn đề quan trọng là quyết tâm chính trị.Hậu Giang đang ở phía sau nhưng chính quyền quyết tâm nỗ lực nhiều hơn để cùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển tiến về phía trước. Điều mà chúng tôi đã cảm nhận được và thấy rõ chính là sự sẵn sàng của lãnh đạo tỉnh, thành phố với cam kết “2 tốt”, “3 nhanh”. Sự cầu thị của tỉnh trong việc học hỏi cách thức quảng bá tiềm năng, thế mạnh và lợi thế cạnh tranh cũng như giới thiệu các cơ hội đầu tư cũng là một điểm mạnh.
Tiếp theo đó sẽ là phương pháp xúc tiến hiệu quả, cần sự kiên trì và xuyên suốt.Từ Pacific Group đến các nhà đầu tư khác hay riêng cá nhân tôi đều xác định đầu tư vào Hậu Giang là tính chuyện đường dài. Vì vậy, kể từ năm 2018 về Hậu Giang tìm hiểu đầu tư, đến nay chúng tôi đang xúc tiến khảo sát và nghiên cứu khả thi từng dự án trong số 7 dự án đã đề xuất. Cùng với đó, chúng tôi vẫn luôn nỗ lực đồng hành cùng chính quyền địa phương trong việc kết nối mọi cơ hội hợp tác, tranh thủ nguồn lực tài chính để thúc đẩy sự phát triển từ cơ sở hạ tầng đến xây dựng nguồn nhân lực.
Pacific Group đã thông báo tài trợ 5 tàu khách sử dụng năng lượng mặt trời giúp địa phương đa dạng hóa phương tiện du lịch đường thủy; hỗ trợ Vị Thanh hợp tác về năng lượng mặt trời với Công ty Nippon Solar Co. Ltd (Nhật Bản); thực hiện nghiên cứu đầu tư 4 cây cầu sắt cho thành phố; kết nối thực hiện Dự án phân bón thông minh hữu cơ cho vùng trái cây và vùng lúa Vị Thanh với Công ty Sukaku Rikki Nhật Bản; đang nghiên cứu mô hình mới để thực hiện chuỗi liên kết du lịch, bảo tồn văn hoá và phát triển Khu Văn hoá Hồ Sen…Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang và thành phố Vị Thanh đã hỗ trợ thành lập Hiệp hội Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực thành phố Vị Thanh, gọi tắt là VTHR. Đây là tiền đề để chúng tôi xúc tiến hợp tác với các đối tác đào tạo Nhật ngữ, Hàn ngữ… nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Hậu Giang. Nhiều chương trình đào tạo đã ra đời như chương trình đào tạo người lao động làm việc trong ngành nông nghiệp tại Hàn Quốc, đào tạo nhân viên an ninh làm việc ở Nhật Bản, đào tạo lao động trình độ cao làm việc tại thị trường Ba Lan, Singapore…Các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Ấn Độ, Hà Lan, Bồ Đào Nha… mà Pacific Group tư vấn về lĩnh vực năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp kiểu mới, logistics, cảng, bất động sản cũng đang rất quan tâm đến Hậu Giang. Hiện nay, một số đối tác đã ở tư thế sẵn sàng.
Hậu Giang đang hội tụ rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển
Mekong ASEAN: Với kinh nghiệm nhiều năm thực hiện công tác xúc tiến đầu tư ở các địa phương, ông có thể đưa ra một số tư vấn để tạo dựng một Hậu Giang đủ sức hấp dẫn, thu hút không chỉ nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước, mà còn cả người lao động địa phương yên tâm ở lại xây dựng quê hương
Ông Lê Ngọc Ánh Minh: Để xúc tiến đầu tư hiệu quả thì cần thiết lập cả một hệ sinh thái về đời sống, tiêu dùng, giáo dục, y tế, thể thao, văn hóa… chứ không chỉ tập trung vào một mảng nào đó duy nhất. Ví dụ như đối với nhà đầu tư về lĩnh vực công nghiệp sẽ phải thường trú tại địa phương. Nếu họ có gia đình thì nhu cầu đời sống của nhà đầu tư ngoài giải trí, thể thao, văn hóa còn là học tập cho con cái, các nhu cầu của bà nội trợ… Tỉnh chỉ tập trung vào công nghiệp mà không quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng về hệ sinh thái đời sống song hành thì việc kêu gọi đầu tư công nghiệp sẽ gặp khó khăn.
Ngoài ra, công tác xúc tiến đầu tư và thương mại cần thực hiện liên tục, đều đặn. Sau hội nghị xúc tiến có những việc cần tiếp tục thực hiện, ví dụ như học hỏi mô hình kêu gọi đầu tư thành công của các địa phương khác ở Việt Nam cũng như trong khu vực ASEAN, đi xúc tiến đầu tư tại quốc gia mục tiêu kêu gọi đầu tư…
Hội nghị xúc tiến đầu tư cần đa dạng hơn, có thể tổ chức tại TPHCM, Hà Nội hoặc các thành phố lớn chứ không nhất thiết chỉ làm tại tỉnh nhà, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc đi lại khi tham dự hội nghị. Công tác này tỉnh Bình Dương làm rất tốt, họ liên tục tổ chức cả trong nước lẫn ở nước ngoài. Tháng 5 vừa rồi, lãnh đạo tỉnh Bình Dương tham dự Diễn đàn doanh nghiệp ASEAN – Australia và tranh thủ tổ chức luôn các hội thảo xúc tiến đầu tư tại một số thành phố lớn ở Australia, gặp gỡ trực tiếp các nhà đầu tư tiềm năng, giải đáp cụ thể và nhanh nhất những vấn đề thắc mắc.Cùng với nỗ lực thu hút những “đại bàng” rót vốn vào địa phương thì nhóm nhà đầu tư lớn này sẽ tạo ra các hệ sinh thái, các doanh nghiệp cung ứng, phụ trợ đi theo. Từ đó mở ra cộng đồng làm ăn lớn, bền vững, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà. Có thể tham khảo trường hợp của huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Trong những năm gần đây, Phú Quốc đã hình thành rất nhiều tổ hợp nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao, thu hút lượng du khách khổng lồ, tạo một nền kinh tế du lịch hải đảo rất quy mô.Về việc giữ chân người lao động, muốn họ ở lại xây dựng quê hương thì phải tạo sinh kế cho họ. Tạo sinh kế cho người dân cũng chính là việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, biến nơi đây thành một cực tăng trưởng quan trọng của đất nước. Khi đã thu hút được các nhà đầu tư đến đặt nhà máy thì tự khắc sẽ cần tuyển dụng và thu hút người lao động về làm việc. Muốn người lao động yên tâm làm việc lâu dài thì công tác đào tạo nhằm nâng cao nhận thức và trình độ của người lao động là rất quan trọng.
Dù bước sang thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0 thì nguồn nhân lực vẫn chính là mạch máu của nền kinh tế sản xuất.Hậu Giang đang hội tụ rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Vấn đề còn lại là con người và công nghệ, kỹ thuật hiện đại để thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại địa phương.Đây là kinh nghiệm xúc tiến đầu tư của chúng tôi đã đúc rút qua nhiều năm.
Mekong ASEAN: Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Mekong ASEAN